Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 6: “Ngũ ca Thất Đang”
Ông Tú “nhớ đời” nước chuyển mã nhập cung ma quái của kỳ vương Đặng Đình Yến - Ảnh: N.L.N
Từ lúc hẹn gặp, cho đến khi cảm nhận được phần nào về ông, tôi mới hiểu tại sao giang hồ lại nói Quách Anh Tú là một tài tử - coi cờ tướng là tinh hoa trong tứ tuyệt “cầm, kỳ, thi, họa” chứ không phải nghiệp mưu sinh.
Trong nhóm cờ Thất Đang xưa, vai vế ông Tú đứng hàng thứ năm, dân cờ hay gọi ông là “ngũ ca” hoặc “lão ngũ”.
“Ngũ ca” ra trận
Trước lúc gặp, tôi đã được “Thuận pháo vương” Phạm Tấn Hòa “phi lộ” đại loại rằng ông Tú “đã nghỉ làm” dù cho là người đóng góp công sức thuộc hàng nhiều nhất cho làng cờ. Tôi không quan tâm đến lý do. Chỉ thấy phấn khích hơn khi sẽ gặp một nhân cách mà theo ông Hòa là “ổng đàng hoàng, thấy cái gì lem nhem là nói”.
Quách Anh Tú đã 69 tuổi, hưu được cả chục năm. Thế mà khi nói về những ván đánh để đời, thấy ông Tú nhớ và hăng máu lắm: “Đây là ván tôi đấu với Trần Ngọc Lâu, lúc đó hai đứa đánh sắc và tươi lắm!”. Ông Tú vừa bày cờ vừa giảng: “Lâu đi tiên, vô pháo đầu. Tôi cũng vô pháo đầu, đánh thuận pháo”. Tiếp theo, ông Tú dâng quân xe bên Lâu một nước rồi bình: “Nó hoành xe ngay, nước rất hỗn, nó khiêu khích tôi đấy. Tôi kệ, cứ dâng mã giữ tốt đầu, đúng phép ra quân”. Rồi ông Tú cứ điềm đạm dâng sĩ, dâng tượng lên cho “ấm”, tạo thế trận phòng thủ. Cùng lúc đó, tại Hội quán Tinh Võ ở Q.5, ván đấu giữa kỳ vương Lý Chí Hải và Tất Kiên Dương cũng đang khai quân. Ông Tú liếc qua, thấy bàn bên cũng khai cuộc giống y chang với ván ông đang đánh! Nước tiếp theo, chợt thấy Tất Kiên Dương dâng xe tuần hà – phép ra quân rất bài bản. Chẳng biết thế nào, cũng vị trí đó từ điểm xuất phát, “ngũ ca” lại đem xe... kỵ hà. Hội quán “ồ” lên!
Ông Tú giảng: “Nếu theo sách vở, nước của tôi sai bét. Nhưng thực ra tôi có tính riêng”... Rồi đến một nước “không theo sách vở” nhưng “rất giang hồ” khác, ông Tú đánh pháo vọt tốt giữa. Hội quán lại “ồ” lên. Trần Ngọc Lâu với bản lĩnh giang hồ đầy mình nên ngỡ “nước giang hồ” này Tú không thạo, bị đánh hố. Lâu chộp quân đi liền – điều tối kỵ khi thi đấu đỉnh cao. Và “cọp dữ” Quách Anh Tú lập tức ra đòn. “Bắn chậm thì chết!”. Thế là song pháo của “ngũ ca” cứ bắn trước ầm ầm, phá toang thế trận bên địch. Nước 26, Tú thọc xe xuống đáy, chưa bị chiếu bí nhưng Lâu đã buông cờ xin thua.
Tài tử - quân tử
Những nước cờ nói trên phần nào nói được tính tài tử của ông Tú mỗi khi “hành hiệp” hay cư xử đường đời. Ông Tú kể, trước đó “tôi đã thấy Lâu đánh nhiều ở sòng cờ Gia Long, Lâu đánh rất dữ, tôi nhìn qua cũng hết hồn, nhưng mình đàn anh đi trước, sao sợ được”. Nên lần gặp ở Hội quán, thâm tâm Tú rất muốn “ăn” Lâu. Bây giờ thì hai ông già “hòa bình” rồi. Ông Tú kể: “Ổng vẫn sống ở dưới Cần Thơ, thỉnh thoảng lên tôi chơi, tôi phải đãi cơm, cho sách cờ mang về, quý lắm”.
Nghe chuyện giữa ông Tú và ông Đặng Đình Yến - một trong “Bắc kỳ tứ kiệt” di cư vô Nam sống cũng vui và cảm động. Tú hồi đó chỉ là hậu bối, xem ông Yến còn hơn cả thần tượng: “Ổng đi đâu cũng xách theo cây ba-toong, xem đánh cờ, ổng lấy cây ba – toong chọc chọc, chỉ nước cho bạn, tôi thấy toát lên một ma lực khủng khiếp”. Có lần, ông Tú xem “thượng tướng” Yến đánh người mà còn “hết hồn” đến giờ: “Cờ tàn, ổng chỉ còn xe – mã trong khi bên kia còn xe – bền sĩ tượng, ai cũng nghĩ giỏi lắm là hòa. Ấy vậy mà ổng quần cho một hồi, bên kia phải thua”. Ông Tú “nhớ đời” nước đánh ma quái của kỳ vương Yến: để đảo thế trận, ông Yến đem xe cánh trái thọc đáy chiếu tướng, tướng phải dâng lên, ông Yến thả mã phải... nhập cung, ngay dưới đít tướng đỏ, rồi từ đó mã lộn sang cánh trái tăng cường tấn công.
Năm 1966, kỳ vương Yến tìm tới khiêu khích, đòi đánh Lý Anh Mô, sư phụ Tú. Ông Mô kẹt chuyện, mọi người cáp cho Tú đánh với ông Yến. Khi đó, Tú đã lên tay lắm, ông Yến cũng không muốn đối đầu nhưng bởi mọi người nói vun vô, không thể từ chối. Hai bên cá cược số tiền nhỏ, 100 đồng/1ván. Ván đầu, ông Yến đi tiên nhưng không tấn công nên cờ hòa. Ván thứ hai, Tú đi tiên, tấn công dũng mãnh, ông Yến thua nhanh vội móc tiền trả. Tú chỉ cười: “Ông cất tiền đi, mình chơi cho vui thôi”, bởi thâm tâm Tú nể trọng ông Yến lắm. Xưa ổng danh trấn giang hồ cả nước, giờ già rồi, “lấy số” ổng Tú không lấy làm ham.
Tôi bỗng giật mình khi nghe ông Tú đúc rút: “Nghiệp cờ coi vậy không tình nghĩa bằng nghiệp võ đâu”. Ông bảo: “Ra giang hồ, tụi nó sống như bầy sói. Khi mình mạnh thì chúng gờm. Mình yếu rồi là quay lại rủ đánh độ, vặt ngay”. Ông kể ra vài trường hợp, khi trò mạnh hơn đã quay lại rủ cả thầy đánh độ,“vặt” luôn cả thầy. Với ông Tú, chuyện đó không bao giờ xảy ra.
Ước muốn chưa thành
Khoảng năm 1956, Quách Anh Tú lần đầu ra giang hồ đã dám chấp 1 xe, đánh cho một ông già khoác lác “đái ra quần”. Đó là lần ở sòng cờ dưới dốc Cầu Mới vùng Bà Chiểu. Ông già nói mình đã cầm cự được với giáo Bố hay kỳ vương Hứa Văn Hải khi hai người này chấp ông một mã. Hùng tâm nổi lên, Quách Anh Tú khảng khái chấp hẳn ông già 1 quân xe! Thế rồi chuyện không ai ngờ xảy ra: Tú tuổi trẻ tài cao, tấn công ào ạt với những nước xuất quỷ nhập thần, ông già nọ tối tăm mặt mày không biết đâu mà chống. Hai ván thua trắng lẹ làng, ông già chung độ rồi lầm lũi bỏ đi, mọi người nhìn lại thấy chỗ ổng ngồi còn có vũng nước... màu vàng. Tú ân hận lắm, bẽn lẽn chào giang hồ rồi biến. Sau lần đó, Quách Anh Tú mới được Lý Anh Mô để mắt, bắt đầu dìu dắt vô làng cờ.
Sau tổng công kích Mậu Thân 1968, người thanh niên cao cờ đó bỗng tuyệt tích. Giang hồ đồn anh đã chết. Sự thật không phải. Quách Anh Tú bỏ cờ, theo cách mạng. Giải phóng thành công, chàng trai yêu cờ người Sài Gòn lại là một trong những thành viên đầu tiên tiếp quản Mỹ Tho. Tại đây, Sáu Mẹo - tay cờ đã được Tú dợt cho lên tay để thọ đài với Trần Đình Thủy - đã là người đầu tiên tìm lên thăm Tú. Cũng bởi Sáu Mẹo “cảm” tâm đức Tú lần trước, đã chỉ cho ông những non kém trước Trần Đình Thủy.
Càng bất ngờ hơn, cũng tại Mỹ Tho, khi là người Việt nhưng ông Tú lại được hội cờ người Hoa dưới Chợ Lớn “tự ý” bầu làm Tổng thư ký hội cờ của họ. Một phần, họ rất nể phục tài năng ông Tú. Phần khác, chỉ có uy tín và sự khảng khái của ông Tú mới giúp họ lấy được lại uy thế cho Hội cờ người Hoa ở đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Nói chuyện đến đây, chợt thấy Quách Anh Tú trùng xuống: “Nói vậy chứ về cờ giờ mình thua người Hoa xa quá...”.
Đó là một câu chuyện dài về công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài mà đến cuối đời, ông Tú coi như là “ước muốn không thể thành được”. Ông tâm sự: “Mình thiếu một đội ngũ nghiên cứu lý luận. Anh em thì giỏi đấy nhưng đánh giang hồ quen, đánh theo quán tính. Gặp người giỏi ở nước ngoài, không ăn được”. Ông kể ra vài kỳ thủ dưới Cần Thơ, An Giang... đánh giang hồ rất giỏi nhưng thi đấu quốc tế lại không được như mong muốn: “Tụi nó ngoài đánh cờ, còn phải chạy xe ôm, kiếm cơm qua ngày. Điều kiện đâu mà nghiên cứu, lý luận”. Ông Tú yêu cờ tướng nhưng lại coi “bên cờ vua, thấy người ta đàng hoàng hơn”. Ông cũng chính là người đầu tiên mua sách cờ vua bên Pháp về, tự bỏ tiền ra dịch thành sách, phổ biến, giảng dạy cho anh em cờ vua. Nhờ đó mà anh em bên đó bài bản hơn, từ nghiệp cờ cho đến nhân cách.
Tác giả: Nguyễn Lê Nguyên
Nguồn: Thanh Niên Online
Comments (0)