Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 3: "Thuận pháo vương"


Kỳ thủ Phạm Tấn Hòa nâng cao một chiếc cúp từng vô địch - Ảnh: N.L.N
Năm 1974, giới chơi cờ đồng cảm phục phong danh hiệu "Thuận pháo vương" cho kỳ thủ Phạm Tấn Hòa, một trong những tinh hoa của làng cờ tướng thành phố với bí kíp khai triển hai ngọn pháo xuất quỷ nhập thần.

Bí kíp lót vali

Năm 1959, kỳ vương Hồng Kông Lý Chí Hải sang Sài Gòn thi đấu, mang theo một cuốn sách quý về cờ tướng. Hồi đó, sách Trung Quốc bị cấm ở Việt Nam vì nhiều lý do. Để trót lọt, kỳ vương Hải đã phải tháo bỏ bìa sách, xé từng trang sách rời rạc đem lót dưới đáy vali, hành lý... xem như những tờ giấy lộn. Sang tới Sài Gòn, kỳ vương được kỳ thủ Việt Nam Nguyễn Văn Anh đãi đằng thân mật lắm, nói như ông Hòa thì "sáng cháo, chiều cơm, tối yến"... Cảm phục tình thâm giao, kỳ vương Hải gom những trang sách đó lại, tặng cho người bạn cờ Việt Nam. Ông Anh mới đóng lại thành một cuốn, coi như sách gối đầu giường.

Năm 1969, như duyên trời định, ông Anh tặng lại Phạm Tấn Hòa cuốn sách quý, thậm chí lúc đó ông Hòa cũng không biết nó tên gì nhưng ông dám chắc "ngoài tôi ra không ai có cuốn thứ hai". Đọc nghiến ngấu cuốn sách, ông Hòa thấy nó quá hay, biến hóa khôn lường, đặc biệt ông rất tâm huyết thế trận thuận pháo. Năm 1971, ông Hòa đã phần nào cảm nhận được tinh hoa của thế trận, bắt đầu sử dụng vào những ván cờ, qua đó chiếm nhiều thượng phong. Phải đến 3 năm sau, ông Hòa mới cho rằng mình tạm thời đã nghiên cứu và lĩnh hội xong cuốn sách, lúc đó ông mới biết tên nó là Tượng kỳ trung phong của soạn giả Vương Gia Lương người Trung Quốc.

Ông Hòa giảng giải: "Thuận pháo, hiểu nôm na là 4 con pháo của hai bên đứng cùng một phía của bàn cờ. Tôi đánh thuận pháo, cũng giống như người ta đá banh, sẵn sàng thủ hoặc tiến đôi công với đối thủ". Ông tâm đắc: "Trận thuận pháo, tôi sử dụng thoáng cờ, hoạt động được 2 xe, 2 pháo mạnh mẽ trong khi 2 ngựa tấn công không hiệu quả, đôi khi tôi để ở nhà".

Một thế trận, một đời người

Năm 1974, thế trận thuận pháo lừng danh bắt đầu đăng đàn. Trước giải, ông Hòa đã ngẫu hứng tuyên bố "tôi sẽ dùng thuận pháo để chiến đấu" nhưng các đối thủ dù biết vẫn không thể đối phó nổi. Và "pháo" đã giật đùng đùng! Ông Hòa oanh liệt hạ gục hết đối thủ này đến đối thủ khác để vô chung kết với cao thủ tiền bối Thanh Mai Phạm Nam Đài. Thuận pháo lại giành chiến thắng vang dội. Phạm Tấn Hòa chính thức đăng quang ngôi vị "Thuận pháo vương", qua đó ít nhiều làm lu mờ danh hiệu "Phi pháo vương" của danh thủ Trần Đình Thủy, một phần cũng vì trận "phi pháo" đã không còn bén nhọn, bị đối phương bắt bài nhiều.

Hai năm sau, trước một giải đấu khác, ông Hòa lại tự tin tuyên bố là mình vẫn dùng thuận pháo để chiến đấu. Dù theo ông, lúc đó các cao thủ người Hoa ở Q.5 đã có nhiều tài liệu nghiên cứu để phá thế trận này. Thực tế khi vô giải, đôi lúc thuận pháo đã không còn chiếm nhiều thượng phong ở khai cuộc và trung cuộc. Đến lúc này, bản lĩnh Phạm Tấn Hòa lại một lần nữa thể hiện ở chữ "nhẫn". Trận chung kết, mặc dù cờ về tới tàn cuộc với ưu thế thuộc về đối phương, pháo - ngựa - 3 chốt đối lại với bên Hòa chỉ có pháo - ngựa - 1 chốt nhưng ông Hòa vẫn thắng nhờ "mình chơi cờ tàn bén, yếu quân nhưng tiến công ráo riết nên giành thắng lợi".

Cờ là nghệ thuật - không phải nghiệp mưu sinh

Phạm Tấn Hòa sinh năm 1940 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống yêu nước và yêu cờ. Ngôi nhà ông ở hiện nay ở đường Cô Bắc, Q.1, đã từng là nơi chứa vũ khí và nuôi dưỡng lực lượng cách mạng. Cha ông là Tư Ngọc, cao thủ cờ hạng tiền bối; chú ông là Năm Sáng cũng là bậc "thượng tướng" trong làng cờ; anh ruột ông là Phạm Tấn Nghĩa có biệt tài chơi cờ mù rất giỏi. Có lẽ do truyền thống vậy mà Phạm Tấn Hòa cũng như nhiều đồng môn danh vọng viên mãn hiện nay - không chú trọng cờ là nghiệp mưu sinh: "Tôi hay anh Tú, anh Vị đều có chung nguyên tắc lấy cờ làm nghệ thuật. Không lấy đó làm nghề kiếm sống".

Phải biết rằng, hoàn cảnh ông Hòa trước đây cũng giống với nhiều kỳ thủ đã trót vận vô "nghiệp cờ", đó là không có điều kiện học hành, thiếu bằng cấp bài bản. Nhưng lối thoát của ông lại hoàn toàn khác: "Nhà tôi trước rất khó khăn. Chơi cờ đã tập cho tôi tính kiên nhẫn, cũng vì đó nó giúp cho tôi tự học văn hóa rất nhiều". Trước năm 1960, Sài Gòn không có nhiều nhà máy, xí nghiệp, để xin được việc làm lúc đó là rất khó. Ông nhớ lại: "Hồi đó, kể cả người bằng cấp đàng hoàng, để kiếm việc làm cũng khó. Có kiếm được việc, mất trước 3 tháng lương tiền "cò" cho người giới thiệu là cũng mừng muốn chết rồi".

Nhờ người quen từ cờ, ông Hòa chẳng bằng cấp gì hết nhưng lại xin được vô làm một hãng dược phẩm của Pháp, cũng chẳng mất trước tháng lương nào. Ông kể: "Trước đó, tôi phải đi coi tiệm bán nón nỉ cho một chủ ở đường Nguyễn An Ninh, coi từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, không có thời gian đi học". Tự trang bị cho mình kiến thức, ông Hòa đăng ký học hàm thụ, họ gửi bài vở đến cho ông qua đường bưu điện, ông vừa làm vừa học ở nhà. Rồi ông học thêm tiếng Pháp... "Tôi đến phỏng vấn xin việc với người phiên dịch. Ông chủ Pháp nói, tôi không quen nên nghe không được. Nhưng tôi nói, ổng nghe được. Tôi hứa với ổng, nếu được nhận vô làm, tôi sẽ rèn luyện tiếng Pháp hơn". Vậy là ông Hòa đậu.

Con ông Hòa giờ thành đạt lắm, 5 người thì ai nấy đều có bằng cử nhân, ông còn có đến 7 đứa cháu nội, ngoại. Giờ nghĩ chuyện xưa, ông thấy tự hào: "Nhớ lại quá khứ sao thấy khó khăn quá. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy tự hào về hồi đó, cũng nhờ làm việc cho hãng Pháp mà tôi có điều kiện đầu tư cho gia đình, dù tiền bạc không nhiều". Năm 1971, Phạm Tấn Hòa tham dự giải Tuệ Thành lần 2, vô tận trận chung kết gặp kỳ thủ khét tiếng Trần Đình Thủy. Trước giải, ông kêu thợ mộc tới, hỏi họ muốn nâng thêm cái gác gỗ cho căn nhà đang ở thì hết khoảng bao nhiêu tiền? Vợ ông mới càm ràm "ông bày đặt, tiền đâu mà sửa nhà". Ông Hòa cười, nói vợ rằng "tôi linh cảm sẽ có tiền".

Y như rằng, lần đó ông Hòa giật giải nhất, phần thưởng rất cao là một kim bài bằng vàng, khoảng 2 lượng. Số vàng đó, cộng với những lần đấu thắng giải chắt chiu được tiền thưởng, ông Hòa cất được căn gác gỗ. Chuyện đang rất vui, chợt ông Hòa chùng xuống, tiếc nuối cho lớp kỳ thủ đàn em: "Nhiều đứa coi cờ là nghiệp, từ cờ chuyển sang cả cờ bạc. Giờ dòm lại, không thấy anh nào khá cả. Đứa đạt giải nhiều nhất, được thưởng nhiều nhất lại là đứa nghèo nhất, nợ nần nhiều nhất". Nghe mà xót xa...

*

Gần 3 năm nay, "Thuận pháo vương" đã giã từ làng cờ để về vui vầy với con cháu, một phần vì mắt ông cũng đã mờ, không thấy đường vì bị "teo gai thị". Một ngày tháng 12.2008, tới thăm ông ở căn nhà nhỏ, gặp một phong thái đĩnh đạc, nói chuyện rất say sưa về cờ, về đời. Ông Hòa kể, hồi chưa hỏng mắt, thỉnh thoảng ông vẫn bày trận thuận pháo "chiêu đãi" anh em đến giao lưu, học hỏi. Thế trận vẫn vững mạnh như năm nào, dù tuổi ông đã cao...

Tác giả: Nguyễn Lê Nguyên
Nguồn: Thanh Niên Online

Comments (0)